Trong khi doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất thì tại các cảng biển, hàng ngàn container phế liệu đang tồn đọng không ai nhận, gây nhiều hệ lụy.
Theo thống kê của VPA, hiện có khoảng 4.480 contanier nhựa phế thải đang tồn tại cảng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quy định tiêu chuẩn nhựa phế liệu nhập khẩu QCVM32 quá khó thực hiện trong thực tiễn. Đặc biệt là 2 tiêu chí nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2% mang tính đánh đố, làm khổ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công văn số 3738 ban hành ngày 26.6 và công văn 4202 ngày 17.7 do Tổng cục Hải quan ban hành đột ngột "quy" nhiều loại nhựa phế thải thành chất thải, không gia hạn để doanh nhgiệp có thời gian điều chỉnh, lập tức không tiếp nhận khai báo nhập khẩu các mặt hàng trên khiến không ít doanh nghiệp khốn đốn.
Một trong những lý do quan trọng nữa khiến các doanh nghiệp không dám tới nhận hàng lại do phí lưu container phải trả cho hãng tàu đã vượt quá tiền hàng. Ông Hoàng Đức Vượng, thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam dẫn chứng: Chi phí lưu container phải trả cho các công ty vận chuyển là 50 - 100 USD/ngày. Tính thời gian hàng bị ách lại cảng 2-3 tháng nay, doanh nghiệp có muốn cũng phải ngậm đắng nuốt cay bỏ hàng.
"Hiện các quy định tại Việt Nam đang có mâu thuẫn trong định nghĩa phế liệu khi cho rằng phế liệu là chất thải thải ra từ sản xuất. Chính việc hiểu lầm này khiến doanh nghiệp điêu đứng, hoang mang dư luận, Tôi khẳng định nhựa phế liệu không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Sử dụng nguyên liệu tái chế là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có đánh giá đúng đắn, thay đổi phương pháp quản lý để "tạo đường sống" cho các doanh nghiệp ngành nhựa" - ông Vượng đề xuất.
(stockbiz)