Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng trên 570 DN công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 130 DN trong nước, chiếm 22,6% và 440 DN nước ngoài, chiếm 77,4%. Các DN CNHT sản xuất, cung cấp các loại nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng kim loại, điện - điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, bao bì... cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Đến nay, ngành CNHT đóng góp khoảng 28% giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút trên 134.000 lao động, chiếm 22% tổng lao động công nghiệp trên địa bàn.
Ngành CNHT Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều mục tiêu phát triển dài hạn
Mức tăng trưởng của ngành CNHT trên địa bàn tỉnh những năm gần đây khá cao, vượt kế hoạch đề ra. Các DN trên lĩnh vực này đa số có quy mô nhỏ nhưng đã chú ý đầu tư máy móc công nghệ để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của nhiều DN nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Sự phát triển của CNHT đã góp phần hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế cũng cho thấy trong bối cảnh phát triển hiện tại cả DN sản xuất và xuất khẩu đều đang chú ý tìm nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ và hưởng những ưu đãi về thuế quan. Do đó, để đáp ứng nhu cầu cho DN trong nước và xuất khẩu, nhiều DN CNHT trên địa bàn cũng đã đầu tư máy móc hiện đại để đảm bảo sản xuất các sản phẩm CNHT có chất lượng, số lượng nhất là cho các đơn hàng của DN FDI trên địa bàn. Đến nay, nhiều DN CNHT khác ở Đồng Nai cũng đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối hoặc hết năm.
Đặc biệt để tăng năng lực cho các DN CNHT trong nước phát triển, nhiều DN FDI tại Đồng Nai đã đề xuất UBND tỉnh làm cầu nối tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối, giới thiệu sản phẩm... để các DN FDI trên địa bàn gặp gỡ DN CNHT trong nước tìm cơ hội cung ứng sản phẩm cho nhau.
CNHT phát triển với nhiều mục tiêu dài hạn
Theo ông Dương Minh Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia nên trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng xúc tiến thương mại đầu tư trong nước. Hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thông qua việc xây dựng các trang website chuyên ngành CNHT, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ, thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ DN, các chương trình quảng bá thương hiệu… để làm cầu nối giữa DN CNHT với các DN khác trong tỉnh cũng như trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH sản xuất Cơ khí Tiến Thành (TP Biên Hòa) cho hay, DN chuyên thiết kế, gia công, sản xuất bằng hàn laser với công nghệ cao, dù có được một số khách hàng là DN nước ngoài nhưng vẫn khó khăn về đầu ra. Do đó, mong muốn nhất của các DN CNHT nói chung là có thể kết nối với các DN trong và ngoài nước để cung cấp sản phẩm.
Ngoài ra, để phát triển ngành CNHT, tỉnh đã và đang phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý… Việc xây dựng chiến lược đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNHT cũng được xem là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, bởi việc nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khoá để phát triển CNHT.
Ngoài ra, trong định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đến năm 2030 tỉ trọng công nghiệp sẽ chiếm 53- 54% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDPR). Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 20%. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng một số cụm liên kết công nghiệp nhằm tập trung phát triển DN CNHT trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thanh Thanh (congthuong.vn)